Cắt bao quy đầu ở nam giới là một phẫu thuật cắt bỏ phần da thừa bao phủ ở đầu dương vật. Đây là một phẫu thuật phổ biến và đã được thực hiện từ rất sớm.
Ở Việt Nam, nói đến cắt bao quy đầu là chúng ta nghĩ ngay đến cắt bao quy đầu ở nam giới, thật ra thì còn có cắt bao quy đầu ở nữ giới nữa – sẽ trình bày trong một bài riêng. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ về cắt bao quy đầu ở nam giới.
1. Cắt bao quy đầu là gì?
– Cắt bao quy đầu là một phẫu thuật cắt bỏ phần da thừa bao phủ ở đầu dương vật. Cắt bao quy đầu là một vấn đề khá phổ biến cho các bé trai sơ sinh ở một số nơi trên thế giới, kể cả Mỹ. Tại một số nơi trên thế giới, cắt bao quy đầu được xem như một nghi lễ tôn giáo, đôi khi cũng có thể là một vấn đề của truyền thống gia đình, vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế dự phòng. Tại Việt Nam thì vấn đề cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh còn khá mới mẻ, chủ yếu ở Việt Nam mới chỉ quan tâm đến vấn đề cắt bao quy đầu sau giai đoạn sơ sinh.
Xem thêm:
Wiki – Cắt bao quy đầu ( Circumcision )
Bài viết – Mổ chít hẹp bao quy đầu
2. Chỉ định và chống chỉ định của cắt bao quy đầu là gì?
– Chỉ định: Cắt bao quy đầu có thể được sử dụng để điều trị các trường hợp bệnh lý hoặc dự phòng nguy cơ.
+ Hẹp bao quy đầu
+ Thắt nghẹt bao quy đầu
+ Dài da bao quy đầu
+ Viêm dính bao quy đầu, điều trị nội khoa – nong tách thất bại
+ Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát ( recurrent urinary tract infections (UTIs) )
+ Dự phòng ung thư dương vật
+ Phòng ngừa cho nam giới trong các quần thể có nguy cơ cao đối với HIV, tình dục đồng tính, nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.
+ Lấy bỏ dị vật dương vật khi đặt “bi
+ Ngoài ra cắt bao quy đầu còn được thực hiện trong các trường hợp: Làm thẩm mĩ, tạo hình đầu dương vật; cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh theo phục tục, vấn đề nghi lễ, tôn giáo, gia đình…
– Chống chỉ định: Phẫu thuật cắt bao quy đầu là một phẫu thuật an toàn, ít tai biến. Tuy nhiên nó cũng có những chống chỉ định như:
+ Đang trong tình trang viêm bao quy đầu: Cần điều trị ổn tình trạng viêm trước khi xét phẫu thuật
+ Những trường hợp lỗ đái lệch thấp ( hypospadias )
+ Những trường hợp cong vẹo dương vật
+ Những trường hợp vùi dương vật
+ Những trường hợp có cơ quan sinh dục chưa rõ ràng
+ Những trường hợp có rối loạn đông máu, bệnh máu khó đông ( hemophilia )
+ Đối với những trường hợp cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh theo nghi lễ tôn giáo cần lưu ý, chống chỉ định đối với những trẻ sinh non, tình trạng sức khỏe yếu.
3. Lợi ích của việc cắt bao quy đầu
Hiệp hội Nhi khoa Mỹ – American Academy of Pediatrics ( AAP ) cho biết lợi ích của cắt bao quy đầu là lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ của việc cắt bao quy đầu. Tuy nhiên, AAP không đề nghị cắt bao quy đầu như là một chỉ định thường quy cho tất cả trẻ sơ sinh nam.
Cắt bao quy đầu có nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
+ Giúp vệ sinh dễ dàng hơn: Cắt bao quy đầu làm cho việc vệ sinh, lau rửa dương vật trở nên đơn giản, dễ dàng hơn, hạn chế viêm nhiễm quy đầu, hạn chế tồn đọng nước tiểu, cặn bã…
+ Giảm tỷ lệ viêm quy đầu, viêm bao quy đầu
+ Giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu: Nhìn chung các rủi ro nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới là thấp, tuy nhiên tỷ lệ này cao hơn ở những trẻ nam không cắt bao quy đầu. Những nhiễm trùng tiết niệu nặng, xảy ra sớm trong cuộc sống của trẻ có thể dẫn đến những vấn đề về thận sau này.
+ Giảm nguy cơ ung thư dương vật: Cắt bao quy đầu ở nam giới có tác dụng bảo vệ và chống lại nguy cơ gây ung thư dương vật ở nam giới và ung thư cổ tử cung ở bạn tình nữ. Mặc dù ung thư dương vật khá hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 1:100.000 ở các nước phát triển, ung thư dương vật gặp chủ yếu ở những nam giới chưa cắt bao quy đầu.
+ Cắt bao quy đầu làm giảm, tránh tình trạng xuất tinh sớm khi quan hệ ở nam giới. Cắt bao quy đầu không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tuy nhiên cắt bao quy đầu đúng cách sẽ làm giảm tình trạng xuất tinh sớm khi quan hệ, do quy đầu được bộc lộ đã quen dần với kích thích, kéo dài được thời gian quan hệ.
+ Cắt bao quy đầu làm giảm lây truyền các bệnh qua đường tình dục như: HIV, HPV và giang mai, hạ cam, herpes sinh dục… Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, nam giới cắt bao quy đầu làm giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường tình dục, kể cả HIV. Tuy nhiên tình dục an toàn vẫn còn cần thiết và nên được chú ý.
4. Những rủi ro gì có thể gặp khi cắt bao quy đầu?
Mặc dù cắt bao quy đầu là một thủ thuật an toàn, ít tai biến. Nhưng đã là một thủ thuật trên người thì nó đều có những rủi ro, tai biến nhất định. Các biến chứng thường gặp nhất liên quan đến cắt bao quy đầu là chảy máu và nhiễm trùng. Các tác dụng phụ liên quan đến gây mê, gây tê cũng có thể gặp, mặc dù tỷ lệ rất thấp.
Hiếm khi cắt bao quy đầu có thể dẫn đến các vấn đề về bao quy đầu như:
+ Bao quy đầu có thể được cắt quá ngắn hoặc quá dài
+ Bao quy đầu có thể lành không đúng như mong đợi
+ Cắt bao quy đầu không đúng kỹ thuật, bao quy đầu vẫn có thể bao phủ đầu dương vật, cần một phẫu thuật sửa chữa nhỏ.
+ Rất hiếm gặp những biến chứng như rò niệu đạo, hẹp miệng sáo
+ Một số vấn đề khác có thể gặp phải sau khi cắt bao quy đầu như: Đau khi quan hệ, rối loạn cương dương, thời gian xuất tinh…
Những vấn đề được nêu trên phần lớn đều có thể phòng ngừa khi bạn được phẫu thuật bởi những bác sĩ có kinh nghiệm, được hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật tốt.
5. Cần chuẩn bị những gì trước khi phẫu thuật cắt bao quy đầu?
– Làm các xét nghiệm cần thiết trước khi phẫu thuật: Trước khi phẫu thuật cắt bao quy đầu, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm cơ bản để đánh giá tình trang viêm nhiễm, tình trạng đông máu. Nếu các xét nghiệm cho phép phẫu thuật thì mới tiến hành được. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ bệnh nhân, bảo vệ bác sĩ.
– Tư vấn tâm lý, giải thích những lợi ích, rủi ro: Trước khi cắt bao quy đầu, bác sĩ sẽ tư vấn giải thích rõ cho bạn những lợi ích và rủi ro có thể gặp trước, trong và sau phẫu thuật cắt bao quy đầu.
– Hướng dẫn bệnh nhân ký cam kết: Cho dù bạn đang lập kế hoạch để cắt bao quy đầu cho con trai bạn, người thân của bạn hay chính bản thân bạn thì bạn cũng cần phải ký cam kết, phải cung cấp sự đồng ý bằng văn bản cho thủ thuật này.
– Hướng dẫn bệnh nhân tự đi tiểu hết, vệ sinh quy đầu trước
– Cạo bỏ lông mu dương vật, vệ sinh dương vật, bao quy đầu
– Bệnh nhân được thay quần áo phẫu thuật
– Chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật
6. Quy trình phẫu thuật cắt bao quy đầu
Sau khi đã chuẩn bị kỹ trước phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng tiểu phẫu hoặc phòng mổ để tiến hành phẫu thuật cắt bao quy đầu. Có nhiều phương pháp cắt bqđ, quy trình sẽ khác nhau ít nhiều. Trong bài này mình giới thiệu tới các bạn quy trình phẫu thuật cắt bqđ kinh điển, được áp dụng tại Việt Nam.

– Bước 1: Sát khuẩn dương vật, trải toan vô khuẩn
– Bước 2: Vô cảm bằng cách tê gốc dương vật hoặc tê tại chỗ: tê dưới da vòng quanh bao quy đầu
– Bước 3: Rạch da – Rạch da theo chu vi của bao quy đầu, cách lỗ bao quy đầu khoảng 0,5 – 1 cm. Nên rạch da từ phần lưng bao quy đầu xuống 2 bên, vừa rạch vừa quan sát các mạch máu nhỏ, dùng dao điện đốt, cắt cầm máu luôn.
– Bước 4: Tách riêng da và niêm mạc bao quy đầu. Dùng kéo phẫu tích hoặc pince tách riêng da và niêm mạc bao quy đầu, dùng dao điện cắt đốt tổ chức dưới da để cho phần da tuột về phía lỗ bao quy đầu.
Chú ý cầm máu và lưu ý nguyên tắc: Cắt da tối đa, niêm mạc tối thiểu khi phẫu thuật cắt bao quy đầu.
– Bước 5: Cắt bỏ da bao quy đầu. Sau khi tách riêng da và niêm mạc bao quy đầu, cắt bỏ da bao quy đầu theo chu vi của lỗ bao quy đầu.
– Bước 6: Tạo hình vạt bao quy đầu. Xẻ rảnh niêm mạc bao quy đầu ở vị trí 12h, đối diện với dây hãm bao quy đầu, cắt bỏ vạt tai niêm mạc bao quy đầu ở 2 bên cho vạt bao quy đầu tròn đẹp hơn.
– Bước 7: Khâu tổ chức dưới da của dương vật với niêm mạc bao quy đầu: Sau khi tạo hình vạt bao quy đầu, cần tiến hành cầm máu và khâu tổ chức dưới da của dương vật với niêm mạc bao quy đầu. Nên khâu bằng chỉ tiêu chậm. Nên khâu thẩm mỹ với các mũi khâu kiểu Donati để đẹp hơn và hầu như không để lại sẹo.
– Bước 8: Khâu niêm mạc với da dương vật. Bước này chúng ta nên dùng chỉ tiêu nhanh, để không phải cắt chỉ. Có thể khâu da với niêm mạc hoặc khâu da – tổ chức dưới da – niêm mạc.


Hình ảnh trước và sau cắt bao quy đầu
– Bước 9: Băng ép. Sau khi khâu niêm mạc và da dương vật, bác sĩ sẽ kiểm tra lại xem chu vi mới của đường khâu có bị hẹp hay không, có chảy máu hay không? có đẹp hay không? Sau đó bác sĩ sẽ lộn hẳn quy đầu ra, dùng gạc cuốn quanh chu vi dương vật, băng ép quanh chu vi dương vật lại.
Hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc, sinh hoạt sau phẫu thuật. Đây là một bước rất quan trọng tuy nhiên nhiều bác sĩ lại bỏ quên. Bước này quyết định nhiều đến sự thành bại của case phẫu thuật. Vì nếu bệnh nhân không được tư vấn kỹ thì sẽ xảy ra các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, phù nề quá mức, đứt mũi chỉ khâu…
Xem thêm: – Mổ chít hẹp bao quy đầu