Phát hiện sớm và tầm soát ung thư tuyến tiền liệt
Trước hết cần phải phân biệt tầm soát ung thư và phát hiện sớm ung thư. Tầm soát là thực hiện các xét nghiệm và khám ở cộng đồng người có nguy cơ nhưng không có triệu chứng. Trong khi đó, phát hiện sớm ung thư là thực hiện trên từng cá nhân đơn lẻ. Tuy cả hai đều có chung mục đích là phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và làm giảm tỉ lệ tử vong, nhưng vì tầm soát ung thư được thực hiện trên một quần thể đông nên rất tốn kém. Vì vậy, tùy điều kiện kinh tế của quốc gia mà một số các xét nghiệm có thể bỏ qua cho một số đối tượng nào đó, và chấp nhận có khả năng bỏ sót một số trường hợp nhất định.
Mặc dù có mục đích tốt, nhưng việc tiến hành tầm soát ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) cũng có những bất lợi:
Chẩn đoán quá mức
Những người không có bệnh sẽ phải chịu quá nhiều xét nghiệm tầm soát, trong đó có một số xét nghiệm có tính xâm hại. Dựa trên nghiên cứu tầm soát UTTTL của châu Âu, người ta nhận thấy tầm soát dựa vào PSA có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do UTTTL 20%, nhưng lại liên quan đến tình trạng chẩn đoán quá mức (LE: 1b).
Sai lệch về tần suất sống còn
Trước khi thực hiện chương trình tầm soát, các trường hợp điều trị ung thư là các trường hợp có triệu chứng và tần suất sống còn là dựa trên các số liệu này. Khi tiến hành chương trình tầm soát chúng ta sẽ phát hiện những trường hợp rất sớm nên tần suất sống còn sẽ thay đổi, đặc biệt đối với UTTTL có đặc thù là sẽ có những trường hợp diễn tiến chậm có thể tồn tại suốt cuộc đời mà không gây triệu chứng, ngược lại có những trường hợp diễn tiến tới tử vong nhanh chóng. Vì thế khi tiến hành tầm soát UTTTL hàng loạt, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều trường hợp ung thư thuộc loại chưa cần điều trị và sẽ có ảo tưởng là điều trị quá tiến bộ, tử suất của ung thư giảm nhiều so với trước.
Ích lợi trong việc giảm tỉ lệ tử vong chưa rõ ràng
Kết quả ban đầu của một số chương trình nghiên cứu như Tyrol ở Áo cho thấy tử suất giảm 33%, [6] (LE:) các chương trình tầm soát ở Mỹ, Anh, Pháp cũng cho kết quả ban đầu đáng khích lệ [17]. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt trong việc giảm tỉ lệ tử vong do UTTTL (LE:), thậm chí cho sự khác biệt rất lớn trong việc xét nghiệm PSA và điều trị. Cần có thời gian theo dõi lâu dài để xác định lợi ích này.
Sự sai lệch của các xét nghiệm và kết quả thăm khám để chẩn đoán
Cho đến nay, trong tầm soát UTTTL chưa có xét nghiệm nào chính xác 100% về độ nhạy và độ đặc hiệu, vì vậy phải thực hiện nhiều xét nghiệm một lúc. Nhưng dù có tiến hành như vậy thì sự chính xác của kết quả cũng có giới hạn nhất định.
Chi phí thực hiện quá cao
Không chỉ tốn chi phí tiến hành các xét nghiệm đơn thuần mà còn phải lưu ý đến nhiều phí khác như phí quảng cáo trong cộng đồng về lợi ích của chương trình, phí giáo dục người dân ý thức được việc bảo vệ sức khỏe của mình cũng như phí điều trị tai biến, biến chứng.
Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt
Qua những phân tích cũng như các nghiên cứu, người ta đã đưa đến thống nhất là việc tầm soát UTTTL trên diện rộng hiện nay là không cần thiết. Thay vào đó việc phát hiện sớm cần được đặt ra ở những nam giới có đầy đủ thông tin cần thiết.
Với ý nghĩa phát hiện sớm UTTTL, người ta khuyến cáo:
- Xác định PSA ban đầu ở tuổi 40, dựa vào đó để đánh giá về sau [7] (GR: B).
- Một khoảng thời gian sàng lọc 8 năm có thể đủ ở nam giới với PSA ban đầu mức < 1 ng/mL [23].
- Không khuyến cáo làm xét nghiệm PSA ở nam giới trên 75 tuổi vì phát hiện sớm ở đối tượng này sẽ không có ý nghĩa lâm sàng [25].
Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt tại Việt Nam
Cần xác định các đặc thù tại Việt nam là:
- Việt Nam không phải là vùng nóng đối với UTTTL trên bản đồ thế giới.
- Kinh tế nước ta còn kém so với các nước Châu Âu và Bắc Mỹ.
- Ý thức tầm soát ung thư, bảo vệ sức khỏe của nhân dân ta còn chưa bằng nhân dân ởcác nước phát triển.
- Lợi ích của tầm soát chưa có kết luận chắc chắn với theo dõi lâu dài.
Vì vậy, nên tiến hành khám và xét nghiệm ở bệnh nhân hơn 50 tuổi, một độ tuổi có suất độ cao, chủ yếu là thăm khám trực tràng và làm xét nghiệm PSA toàn phần. Chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt khi phát hiện có nhân cứng, còn khi PSA lớn hơn 4ng/ml thì giải thích ích lợi và nguy cơ khi làm xét nghiệm. Không làm tầm soát ung thư mà là phát hiện sớm ung thư, tức là chỉ thực hiện trên từng cá thể riêng biệt chứ không tiến hành hàng loạt. Các xét nghiệm PSA tự do cũng rất đắt tiền, nên trong chương trình tầm soát cũng không nên thực hiện.